Tại tọa đàm “Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ khi trở lại trường”, các chuyên gia đã chia sẻ về nguy cơ và giải pháp bảo vệ trẻ khi đến lớp trong dịch Covid-19.
Trẻ đi học trực tiếp đồng nghĩa bố mẹ đối mặt nhiều hơn một nỗi lo về sức khỏe. Nhằm giúp phụ huynh có cái nhìn toàn cảnh và tìm lời giải cho “bài toán” làm sao để con đến lớp an toàn, vui khỏe trong đại dịch, Zing News và nhãn hàng Green Cross thực hiện tọa đàm “Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ khi trở lại trường”.
Tọa đàm có sự đồng hành của bác sĩ Trương Hữu Khanh – Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM và ThS.BS Chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (kiêm điều hành khoa Nhiễm của bệnh viện – nơi điều trị trẻ em F0).
Nỗi lo khi con đến lớp mùa dịch
Một trong những nỗi trăn trở lớn của bố mẹ khi đưa con trở lại lớp là nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trước nỗi lo này, ThS.BS Nguyễn Trần Nam nhận định xác suất trẻ đi học và bị lây nhiễm virus không chênh lệch so với việc trẻ tham gia hoạt động cộng đồng khác như vui chơi, du lịch… Dù ở nhà, không ra ngoài vui chơi và học tập, trẻ vẫn có thể nhiễm virus từ bố, mẹ hoặc người thân.
“Theo thống kê của cả ba bệnh viện nhi tại TP.HCM, số lượng trẻ mắc Covid-19 khá cao nhưng tỷ lệ diễn tiến nặng, phải hỗ trợ oxy và điều trị tích cực rất thấp”, bác sĩ Nam cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan vì ngoài dịch Covid-19, trẻ đối mặt nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khi trở lại trường, đặc biệt là bệnh lý lây nhiễm cộng đồng như ho, phế quản, viêm hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, tay chân miệng…
Trước trăn trở làm cách nào để con tự bảo vệ sức khỏe ở trường học, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định: “Mọi người thường có một quan điểm sai là trẻ em không tuân thủ việc phòng dịch, thực tế người lớn là đối tượng lơ là hơn. Cha mẹ hoàn toàn có thể hướng dẫn trẻ chủ động bảo vệ sức khỏe và tuân thủ các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc”.
Đồng tình với bác sĩ Khanh, bác sĩ Nam cho rằng trong một môi trường mà thầy cô và bạn bè đều chủ động bảo vệ sức khỏe, trẻ sẽ noi theo và tuân thủ hơn.
Cảm xúc căng thẳng khi phải quay lại trường học có thể khiến trẻ sa sút trong học tập hoặc gặp rối loạn lo âu. Giải thích ở khía cạnh tâm lý, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng nguyên nhân trẻ uể oải, không muốn đến lớp là lo sợ không theo kịp bài hoặc “đi học trong trạng thái không biết ngày nào trở thành F1, F0 và phải nghỉ học”.
Dù vậy, trạng thái tiêu cực này không kéo dài lâu vì khả năng thích nghi của trẻ rất tốt. Khi phát hiện con có dấu hiệu tâm lý, cha mẹ cần trò chuyện nhiều hơn để trấn an và giúp trẻ hiểu được việc ở nhà là cần thiết khi bản thân nhiễm bệnh.
Nâng cao đề kháng, trang bị 5K để trẻ vui khỏe đến lớp
Một trong những biện pháp phòng dịch và đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh được các chuyên gia khuyến cáo là giúp trẻ tăng sức đề kháng.
ThS.BS Nguyễn Trần Nam cho rằng cha mẹ cần chấp nhận việc “đôi lúc con phải bệnh”. Bởi khi mắc bệnh và hồi phục, sức đề kháng của con được tự động tăng cường. Điều quan trọng là chăm sóc trẻ theo hướng dẫn y tế, thận trọng khi dùng thuốc đặc biệt là kháng sinh, kháng viêm.
Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng nhu cầu, cân bằng các nhóm chất, đa dạng thực phẩm rất quan trọng với đề kháng của trẻ. Cũng theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cách nâng cao đề kháng hiệu quả là vận động thường xuyên.
“Thời gian giãn cách, trẻ bị nhốt trong nhà và làm bạn với thiết bị điện tử, do đó việc vận động thể chất bị hạn chế. Khi bình thường mới, cha mẹ cần làm gương và đồng hành với trẻ trong việc tập thể thao, từ đó giúp con tăng khả năng chống lại bệnh tật”, bác sĩ Nam nói thêm.
Ngoài nâng cao đề kháng, biện pháp 5K được xem “lá chắn” giúp trẻ ngăn ngừa việc lây nhiễm Covid-19 trong trường học. Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh vai trò của việc đeo khẩu trang và rửa tay để ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh Covid-19.
Theo chuyên gia, Covid-19 vốn là bệnh lây qua đường hô hấp và một trong những “công cụ” lây lan virus chính là bàn tay. Việc rửa tay thường xuyên giúp trẻ làm sạch khuẩn, hạn chế virus khi đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Để bảo vệ sức khỏe con tốt hơn khi ở trường, ngoài trang bị khẩu trang, cha mẹ nên mua thêm dung dịch rửa tay cho trẻ. Phần lớn nước rửa tay là cồn nên dễ bay hơi, cha mẹ có thể chọn loại bổ sung glycerin, dạng gel. Với một số trẻ có làn da nhạy cảm, bác sĩ khuyên phụ huynh nên chọn các loại dung dịch được bổ sung chất giữ ẩm, có thành phần thiên nhiên.
Trong trường hợp phát hiện trẻ nghi nhiễm với các dấu hiệu như sốt cao (sử dụng thuốc nhưng không hạ hoặc sốt liên tục 48 giờ), ho, khó thở, mệt mỏi, nôn ói…, cha mẹ nên thử SpO2 để xem nồng độ oxy, đồng thời đưa đi khám để can thiệp y tế kịp thời.
Trên lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Trần Nam thường tiếp xúc với nhiều trường hợp trẻ nghi nhiễm do sốt cao. Khi gặp tình huống này, cha mẹ nên bình tĩnh, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi nhiệt độ của trẻ mỗi 4-6 giờ, đồng thời lưu lại các đường dây nóng của cơ sở y tế để phòng ngừa.
— Nguồn: zingnews.vn —